Ung thư - Mối đe dọa thế kỷ của con người

Ung thư - Mối đe dọa thế kỷ của con người

Ung thư là một trong những bệnh không lây nhiễm với số người mắc bệnh ngày một gia tăng trên toàn cầu. Đây được xem là mối đe dọa thế kỷ của con người.

Đây cũng là căn bệnh nguy hiểm đứng thứ 2 sau tim mạch gây tử vong cao. Ước tính năm 2015 (WTO), trên thế giới có khoảng 8,8 triệu ca tử vong vì bệnh ung thư. Hơn 60% số ca ung thư mới xuất hiện tại châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ với 70% số ca tử vong (NIH). Vào năm 2015 đã có khoảng 90,5 triệu người bị ung thư. Khoảng 14,1 triệu trường hợp mới xuất hiện một năm (không bao gồm ung thư da). Bệnh ung thư ước tính đã tiêu tốn khoảng 1,16 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2010.

Ở Việt Nam, theo thống kê của ngành ung thư và Bộ Y tế, hiện mỗi năm nước ta có khoảng 150.000 người mới mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Theo số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật hàng đầu.

Sự phát triển của tế bào ung thư

Ung thư là một căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao và là một loại bệnh của các tế bào.

Ung thư (cancer) là một nhóm các bệnh liên quan đến việc phân chia tế bào một cách vô tổ chức, không kiểm soát được (sự sai hỏng của ADN, tạo nên các đột biến ở các gene thiết yếu điều khiển quá trình phân bào cũng như các cơ chế quan trọng khác), những tế bào bất thường này có thể xâm nhập vào các mô lân cận hoặc di chuyển đến các vị trí ở xa bằng cách nhập vào mạch máu hoặc hệ bạch huyết. Di căn là nguyên nhân gây tử vong chính của ung thư. Hiện có khoảng hơn 200 loại ung thư.

Phân loại ung thư

Các loại ung thư bao gồm: Ung thư biểu mô (carcinoma) có nguồn gốc từ tế bào biểu mô (ví dụ như ở ống tiêu hóa hay các tuyến tiêu hoá). Bệnh lý huyết học ác tính (hematological malignancy), như bệnh bạch cầu (leukemia) và u lympho bào (lymphoma), xuất phát từ máu và tủy xương. Ung thư mô liên kết (sarcoma), xương hay cơ. U hắc tố do rối loạn của tế bào sắc tố. U quái bắt nguồn từ các tế bào mầm...

Nguyên nhân hình thành bệnh ung thư?

Sự tương tác khiến các tế bào bình thường thành các tế bào ung thư giữa bao gồm yếu tố di truyền và các tác nhân bên ngoài/yếu tố nguy cơ: Chất gây ung thư vật lý chẳng hạn như tia cực tím và ion hóa. Chất gây ung thư hóa học chất gây ung thư hóa học, chẳng hạn như amiăng, các thành phần của khói thuốc lá, aflatoxin-chất gây ô nhiễm thực phẩm và thạch tín-một chất gây ô nhiễm nước uống. Chất gây ung thư sinh học,chẳng hạn như nhiễm trùng từ một số vi-rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng.

  • Có thể nói, thuốc lá chiếm 30% nguyên nhân gây ung thư: ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, bàng quang, tụy, dạ dày.
  • Chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm thực phẩm chiếm 35% trong tổng số các loại ung thư: Uống rượu quá nhiều, ăn nhiều chất mỡ động vật, ăn nhiều đường, các chất bảo quản thực phẩm, các chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc, lên men. Thịt hun khói, cá muối, các loại mắm và dưa muối, cà muối, nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit và nitrosamine.
  • Nhiễm vi rút, vi khuẩn: Vi rút Epstein-Barr (EBV), vi rút viêm gan B, vi rút gây u nhú ở người (Papiloma Human Vi rút- HPV), vi khuẩn Helicobacter Pylory (HP)...
  • Ô nhiễm môi trường: thuốc trừ sâu diệt, dioxin, các hóa chất sử dụng trong công nghiệp, bụi gỗ, nấm mốc...
  • Bức xạ ion hóa như tia Rơnghen, các chất phóng xạ dùng trong y học và một số ngành khoa học.
  • Tia cực tím trong ánh sáng mặt trời cũng là tác nhân gây ung thư da.
  • Tuổi, giới tính và gen di truyền.

Triệu chứng của ung thư

  • Ban đầu, hầu hết bệnh nhân ung thư không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Khi xuất hiện triệu chứng rõ rệt thường là khi bệnh đã tiến triển trầm trọng.
  • Triệu chứng tại chỗ: Các khối u bất thường hay phù nề, chảy máu (hemorrhage), đau và/hoặc loét (ulcer) chèn ép vào mô xung quanh có thể gây ra các triệu chứng như vàng da.
  • Triệu chứng của di căn (lan tràn): Hạch bạch huyết lớn lên, ho, ho ra máu, gan to, đau xương, gãy xương ở những xương bị tổn thương và các triệu chứng thần kinh.
  • Triệu chứng toàn thân: Sụt cân, chán ăn và suy mòn, tiết nhiều mồ hôi (đổ mồ hôi trộm), thiếu máu và các hội chứng cận u đặc hiệu, đó là tình trạng đặc biệt được gây ra bởi ung thư đang hoạt động, chẳng hạn như huyết khối (thrombosis) hay thay đổi nội tiết tố.
  • Ung thư di căn là biến chứng thường gặp nhất ở nhiều bệnh ung thư: Khi các tế bào ung thư di căn đến các bộ phận khác thì tỉ lệ tử vong của bệnh nhân sẽ càng cao.

Chẩn đoán

  • Chẩn đoán hình ảnh: chụp X quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ hoặc PET.
  • Sinh thiết: phẫu thuật cắt bỏ 1 số mô và quan sát dưới kính hiển vi để tìm kiếm dấu hiệu của ung thư.
  • Xét nghiệm tủy để phát hiện ung thư máu (Junvenile cell trong máu tăng cao).
  • Xét nghiệm tế bào cổ tử cung: Xét nghiệm Pap (Pap smear).
  • Nội soi đại trực tràng.
  • Xét nghiệm máu, nước tiểu của các dấu ấn ung thư sau:

Phương pháp điều trị ung thư

  • Phẫu thuật: Mục đích của phẫu thuật là có thể cắt bỏ chỉ khối u đơn thuần hoặc toàn bộ cơ quan. Việc cắt bỏ khối u nguyên phát để phân loại giai đoạn cho biết tiên lượng và nhu cầu điều trị bổ sung. Đôi khi, phẫu thuật cần thiết cho kiểm soát triệu chứng, như chèn ép tủy sống hay tắc ruột. Đây được gọi là điều trị tạm thời.
  • Xạ trị liệu: Điều trị bằng tia X hay chiếu xạ là sử dụng một dạng năng lượng (gọi là phóng xạ ion hoá) để diệt tế bào ung thư và làm teo nhỏ khối u. Mục tiêu của xạ trị là làm tổn thương càng nhiều tế bào ung thư trong khi giới hạn tổn thương đối với mô lành lân cận. Xạ trị có thể được dùng để điều trị hầu hết các loại u đặc, gồm ung thư não, vú, cổ tử cung, thanh quản, tụy, tiền liệt tuyến, da, cột sống, dạ dày, tử cung hay các sarcoma mô mềm. Xạ trị cũng có thể được dùng trong leukemia và lymphoma (ung thư của tế bào tạo máu và hệ thống bạch huyết).
  • Hóa trị liệu: Hóa trị liệu là điều trị ung thư bằng thuốc ("thuốc chống ung thư") có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư. Hầu hết các dạng hóa trị đều nhắm vào các tế bào phân chia nhanh chóng và không đặc hiệu cho tế bào ung thư. Vì vậy, hóa trị có khả năng làm tổn thương các mô lành, nó cũng tiêu diệt các tế bào khỏe của cơ thể trong tủy xương và tế bào tiêu hóa trong ruột. Nó cũng làm hư hại các cơ quan khác như lá lách, thận, tim, phổi... đặc biệt là các mô có tần suất thay thế nhanh chóng (ví dụ như niêm mạc ruột).
  • Miễn dịch trị liệu (Tăng cường hệ miễn dịch): Miễn dịch trị liệu ung thư là sử dụng cơ chế miễn nhiễm chống lại khối u. Miễn dịch trị liệu là kích hoạt và làm tăng số lượng của các tế bào miễn dịch của cơ thể gọi là macrophage và tế bào "sát thủ tự nhiên" NK Cell. NK Cell là một tế bào miễn dịch đặc hiệu có chức năng nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư.

  • Ức chế nội tiết tố: Các ví dụ thông thường của khối u nhạy cảm với hormone là một số loại ung thư vú, tiền liệt tuyến, và tuyến giáp. Việc loại bỏ hay ức chế estrogen (đối với ung thư vú), testosterone (ung thư tiền liệt tuyến), hay TSH (ung thư tuyến giáp) là phương pháp điều trị bổ sung quan trọng.
  • Ghép tế bào gốc đối với một số bệnh ung thư.

Cần phòng ngừa bệnh ung thư ra sao?

Ung thư hiện nay vẫn là một nỗi sợ của nhiều người nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chúng ta biết xây dựng cho mình một chế độ ăn uống, luyện tập thể dục thể thao và sinh hoạt hợp lý.

  • Chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Một số chất chống ung thư trong thực phẩm: Alliinase, Myrosinase. Selen. β-Glucan (Beta glucan). Alliinase, Myrosinase. Probiotic (vi khuẩn có lợi). Curcumin, Catechin, Lycopene, Sulforaphane, Glucoraphanin...
  • Một số thực phẩm giúp ngăn ngừa ung thư: Bông cải xanh, cải xoăn, rau chân vịt. nghệ, tỏi, hành tây, nấm, cà chua, sữa chua...
  • Các chất hóa dự phòng: Tamoxifen, Estrogen, Axít cis-retinoic, Finasteride...
  • Khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện ra rất nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh ung thư, phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi sẽ rất lớn. Tốt nhất nên khám kiểm tra sức khỏe ít nhất mỗi năm 1 lần.
  • Ngoài ra, cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ để phòng được các bệnh mà khi mắc rất dễ tiến triển thành ung thư như: tiêm phòng viêm gan vi rút B, HPV...

Khuyến nghị chung về dinh dưỡng trong phòng chống ung thư:

  • BMI nằm trong khoảng 18.5 đến 23 kg/m2. Tránh để tăng hơn 5kg khi đã ở tuổi trưởng thành. Hoạt động thể chất khoảng 60 phút mỗi ngày dành cho các hoạt động thể chất có cường độ vừa phải.
  • Tiêu thụ các loại đồ uống có cồn cần được hạn chế không quá 20gram Alcohol mỗi ngày (tương đương khoảng 500ml beer 5,5% alcohol).
  • Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn đóng hộp. Không ăn/uống những thực phẩm quá nóng.
  • Không nên ăn nhiều hơn 90g thịt đỏ đã nấu chín và thịt đã qua chế biến nên khống chế dưới 70g mỗi ngày.
  • 400 gr trái cây và rau củ/ ngày. Tuy nhiên tổng lượng nước ép trái cây/rau củ uống một ngày không nên vượt quá 150ml.

Ý Nhi

Bài viết liên quan